DU LỊCH VÀ ẢNH HƯỞNG TỚI ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN QUẢNG BÌNH

Quảng Bình từ xưa đến giờ vốn là vùng đất có đặc thù khắc nghiệt. Về địa hình, Quảng Bình bị cắt xẻ mạnh bởi hơn 85% địa hình là đồi núi, điển hình là khu vực vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với hệ thống núi đá vôi và hang động trập trùng, đi kèm với diện tích rừng nguyên sinh bạt ngàn che phủ. Về thời tiết, nơi đây được chia làm mùa mưa và mùa khô, nổi tiếng với mùa khô là nắng hạn gay gắt, mùa mưa là mực nước dâng cao, ngập lụt năm nào cũng có.

Khắc nghiệt như vậy, thế nên người dân Quảng Bình, đặc biệt là người dân vùng núi rừng như Phong Nha không có nhiều lựa chọn mưu sinh. Bên mâm cơm tối đêm rừng, chị Phương, hướng dẫn viên người Phong Nha, chia sẻ với chúng tôi rằng trước khi du lịch phát triển tại Phong Nha, những người trẻ ở vùng này phần lớn tìm đường đi xuất khẩu lao động, lập nghiệp nơi đất khách quê người. Những người ở lại nhiều người tìm về rừng núi, bám lấy rừng núi mà sống. Họ là những người mà ta gọi là “lâm tặc”, là “thợ săn”, những kẻ “xẻ thịt núi rừng” ra mà kiếm sống – là kẻ xấu trong những câu chuyện người ta vẫn rỉ tai nhau. 

Thế nhưng đâu ai biết rằng, đằng sau những “kẻ xấu” trong câu chuyện truyền miệng ấy, lại là những con người lương thiện khó khăn vật lộn vì miếng cơm manh áo. 

Tuy nhiên, cuộc sống người dân bắt đầu thay đổi khi du lịch bắt đầu phát triển. Được mệnh danh là Vương Quốc Hang Động của Việt Nam, Quảng Bình có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, thuận tiện cho phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm thám hiểm hang động,… rất được ưa thích bởi cả du khách trong nước và quốc tế. Nền kinh tế khu vực của địa phương bắt đầu lớn mạnh hơn, cơ sở vật chất và đời sống của người dân cũng từ đó mà cải thiện đáng kể. 

Khả quan nhất, đó là giờ đây những người dân bản địa đã có được công ăn việc làm ổn định từ du lịch. Bên cạnh việc kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng quán ăn, và bán đồ lưu niệm cho du khách, những người từng phải kiếm sống đơn thuần từ đốn cây, săn bắn trái phép giờ đã có thể dùng kinh nghiệm đi rừng của mình trở thành những hướng dẫn viên, Porter (người vận chuyển hành lý) chuyên nghiệp, dẫn đường cho du khách trong khu rừng họ đã quen thuộc từ lâu. 

Khi được hỏi về nghề nghiệp cũ của mình trước khi đầu quân cho Jungle Boss, chú Sơn, Porter của đoàn, đã chất phác trả lời: ‘Chú là lâm tặc’. Quả chú đã từng sai lầm, nhưng giờ đây, khi có một người quen thuộc đường rừng và có sức khỏe tốt như chú đi theo hỗ trợ đoàn, thì chú đã trở thành một chỗ dựa đáng tin cậy của anh chị em du khách trên chặng đường rừng hiểm trở. Qua phát triển du lịch, chú Sơn và những người anh em của chú đã được lựa chọn đổi nghề hướng thiện và quay trở lại làm ăn ổn định, chân chính. 

Du lịch có ý nghĩa lớn hơn là một ngành kinh tế đơn thuần.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top